Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng phần mềm SPSS

Admin

Trong nghiên cứu, nhiều vấn đề rất phức tạp, đa khía cạnh không thể chỉ sử dụng những thang đo đơn giản - thang đo chỉ dùng một câu hỏi đo lường (thang đo một chỉ báo). Do đó, việc xây dựng các thang đo chi tiết (thang đo nhiều chỉ báo) để có thể nắm bắt được những nội dung phong phú của các vấn đề nghiên cứu và việc kiểm tra độ tin cậy của thang đo là điều hết sức cấp thiết trong nghiên cứu định lượng.

Theo sách “Phân tích dữ liệu với SPSS” của Hoàng Trọng – Chu Nguyễn Mộng Ngọc, một trong những hình thức đo lường các khái niệm trừu tượng được sử dụng phổ biến nhất trong nghiên cứu kinh tế xã hội là thang đo Likert, do Renis Likert giới thiệu vào năm 1932. Câu hỏi điển hình của dạng thang đo Likert này là “Xin vui lòng đọc kỹ những câu phát biểu sau và khoanh tròn trả lời thể hiện đúng nhất quan điểm của bạn sau mỗi câu phát biểu”. Thang đo Likert có dạng là một dãy các chữ số liên tục và đều đặn từ 1 đến 5, từ 1 đến 7 hoặc từ 1 đến 10. Khi lập bảng câu hỏi, chúng ta thường tạo các biến quan sát x1, x2, x3, x4, x5... là biến con của một nhân tố, ta đo lường các biến quan sát nhỏ này để suy ra tính chất của nhân tố thay vì đo lường cả một nhân tố tương đối trừu tượng và khó đưa ra đánh giá chính xác. Tuy nhiên không phải lúc nào tất cả các biến quan sát dùng để đo lường một nhân tố đều phản ánh được khái niệm, tính chất của nhân tố đó. Do vậy, cần phải có một công cụ kiểm tra mức độ phù hợp của các biến quan sát để đưa vào thang đo. Kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha giúp ta giải quyết vấn đề này.

SPSS (Statistical Package for the Social Sciences) là một phần mềm máy tính phục vụ công tác phân tích thống kê, được sử dụng phổ biến cho các nghiên cứu điều tra xã hội học và kinh tế lượng.

1. Kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha là gì?

Kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha là phép kiểm định phản ánh mức độ tương quan chặt chẽ giữa các biến quan sát trong cùng một nhân tố. Nó cho biết trong các biến quan sát của một nhân tố, biến nào đã đóng góp vào việc đo lường khái niệm nhân tố. Kết quả Cronbach’s Alpha của nhân tố tốt thể hiện rằng các biến quan sát đo lường nhân tố là hợp lý, thể hiện được đặc điểm của nhân tố mẹ.

2. Các tiêu chuẩn trong kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha

Hệ số Cronbach’s Alpha có giá trị biến thiên trong đoạn [0,1]. Về lý thuyết, hệ số này càng cao thang đo càng có độ tin cậy cao. Tuy nhiên khi hệ số Cronbach’s Alpha quá lớn (khoảng từ 0.95 trở lên) cho thấy có nhiều biến trong thang đo không có khác biệt nhau, hiện tượng này gọi là trùng lắp trong thang đo. (Nguồn: Nguyễn Đình Thọ, Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh). Khi đánh giá độ tin cậy của thang đo, ta cần xem xét các tiêu chuẩn sau:

- Nếu một biến đo lường có hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item – Total Correlation) lớn hơn hoặc bằng 0.3 thì biến đó đạt yêu cầu (Nguồn: Nunnally, J. (1978), Psychometric Theory, New York, McGraw – Hill)

- Giá trị hệ số Cronbach’s Alpha (Nguồn: Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Phân tích dữ nghiên cứu với SPSS):

  • Từ 0.8 đến gần bằng 1: thang đo lường rất tốt;
  • Từ 0.7 đến gần bằng 0.8: thang đo lường sử dụng tốt;
  • Từ 0.6 trở lên: thang đo lường đủ điều kiện.

- Hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến quan sát (Cronbach’s Alpha If Item Deleted): khi giá trị Cronbach’s Alpha If Item Deleted lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm, chúng ta xem xét loại biến quan sát này. Ví dụ trong bảng bên dưới, hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm là 0.814 và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến quan sát X1 (Cronbach’s Alpha If Item Deleted) là 0.915 (lớn hơn 0.814) nên ta loại biến quan sát X1 khỏi thang đo lường.

Tuy nhiên đây không phải là tiêu chuẩn chính yếu đánh giá độ tin cậy của thang đo, trong một số trường hợp chúng ta cũng có thể cân nhắc giữ lại biến quan sát khi hệ số Cronbach’s Alpha If Item Deleted lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha căn cứ vào lập luận của người nghiên cứu.

3. Các bước kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha bằng SPSS

Trong phần này chúng ta lấy ví dụ về mức độ hài lòng của sinh viên đối với dịch vụ đào tạo của trường ĐH Kinh tế TP. HCM. Theo các nghiên cứu, giá trị dịch vụ đào tạo chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố bao gồm nhiều mục hỏi. Ở đây chúng ta chỉ xem xét việc tính toán Cronbach’s Alpha đối với các mục hỏi của một khía cạnh của khái niệm giá trị dịch vụ, đó là giá trị chức năng. Câu hỏi liên quan đến đo lường khía cạnh giá trị chức năng như sau:

Anh/Chị vui lòng cho biết mức độ đồng ý của Anh/Chị cho các phát biểu sau:(một câu trả lời)

Để tính toán hệ số Cronbach’s Alpha bằng SPSS ta thực hiện các bước sau:

Bước 1: Vào menu Analyze -> Scale -> Reliability Analysis

Bước 2: Đưa các biến quan sát cần kiểm định độ tin cậy vào mục Items bên phải, sau đó chọn Statistics

Bước 3: Trong tùy chọn Statistics, tích vào các mục giống hình bên dưới, sau đó chọn Continue

 

Bước 4: Sau khi click Continue, SPSS sẽ quay về giao diện ban đầu, nhấp vào OK để xuất ra kết quả

Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha của nhóm biến quan sát đo lường khía cạnh giá trị chức năng như sau:

Kết quả kiểm định cho thấy các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng phù hợp (Corrected Item – Total Correlation > 0.3). Hệ số Cronbach’s Alpha = 0.935 (lớn hơn 0.8) nên thang đo lường rất tốt (Nguồn: Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Phân tích dữ nghiên cứu với SPSS).

Kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha là bước quan trọng, đảm bảo thang đo phù hợp để thực hiện các phân tích tiếp theo như phân tích nhân tố, mô hình hồi quy, …

Như Hà

---------------------------------------------------------------------------------------------------

QUÝ ANH/CHỊ CẦN HỖ TRỢ XỬ LÝ, PHÂN TÍCH DỮ LIỆU VUI LÒNG GỬI THÔNG TIN QUA FORM DƯỚI ĐÂY

CHÚNG TÔI SẼ LIÊN HỆ PHẢN HỒI TRONG THỜI GIAN SỚM NHẤT